Khi nhân sự cao cấp khởi nghiệp: cũng lắm gian truân


Twenty.vn – Là nhân sự tầm trung hoặc cao cấp của các công ty công nghệ, có kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ, các đối tượng này sỡ hữu những lợi thế không nhỏ khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mọi chuyện không dễ dàng như vậy, họ cũng gặp đầy khó khăn khi khởi nghiệp trong những năm đầu tiên.


Rời bỏ vị trí Giám đốc dự án của một trong những công ty phần mềm có thị phần lớn nhất nhì thành phố, anh T. theo đuổi giấc mơ riêng của mình. Hơn tỷ đồng đầu tư vào các dự án về ứng dụng di động, trang web theo công nghệ 3.0, thiết bị định vị…lần lượt thất bại, số tiền tích lũy cứ cạn dần. Các đối tác của  công ty trước không mặn mà thử nghiệm các sản phẩm của T.  Gia đình trước đây còn ủng hộ thì giờ nhiều người quay sang chỉ trích vì quyết định khởi nghiệp của anh. Việc kêu gọi đầu tư cũng đầy gian truân.
Tương tự là câu chuyện của sàn thương mại điện tử X, đội ngũ nòng cốt là những người du học từ Mỹ về, có kiến thức tài chính, kỹ thuật; tài chính vững nói chung là có bước khởi đầu rất tốt so với mặt bằng chung của các nhóm khởi nghiệp ở Việt Nam. Nhưng sau một năm thử lửa cũng đành ôm đầu chịu trận. Giống như anh T.,  việc kêu gọi đầu tư vào sàn X cũng vất vả trong khi vốn ban đầu của cả nhóm ngày càng vơi dần.
Chuyện không của riêng ai
Anh Q., hiện đang làm chủ một công ty công nghệ đã hơn 5 năm tuổi chia sẻ rằng anh cũng đã gặp tình trạng như vậy. Q, cho biết anh từng là đại diện một công ty đa quốc gia trước khi khởi nghiệp, anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, quan hệ và kết quả là : cũng trải qua hai năm đầu cực kỳ khó khăn.
Nguyên nhân theo Q. chia sẽ rằng khi còn làm ở các công ty lớn, anh được hỗ trợ bởi một hệ thống thông tin xuyên suốt nên phần lớn các quyết định về chiến lược kinh doanh anh đưa ra đều rất ít khi gặp phải sự cố, nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến chiến lược chung của công ty. Nhưng khi ra khởi nghiệp lại khác, không có hệ thống thông tin xuyên suốt, không có đội ngũ nhân sự tốt đứng đằng sau chống lưng trong thời gian đầu nên mọi chuyện rất khó khăn. “Chỉ cần ba quyết định sai là tiêu tan doanh nghiệp.”, anh Q nói.
ns2
Bên cạnh đó, theo anh Q., các công ty khởi nghiệp thường không có kinh phí để đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường, phần lớn đưa các sản phẩm ra ngoài dựa trên cảm tính và đôi khi quá tự tin về sản phẩm của mình nên khả năng “chết yểu” cũng rất cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của sàn X. “Kinh doanh là bán cái thị trường thực sự cần chứ không phải là cái doanh nghiệp có. Đôi khi những điều đó không cần sản phẩm có công nghệ thật hoành tráng hay chức năng cao siêu gì cả”, anh Q.nói.
Sai lầm tiếp theo của nhiều nhân sự đã có kinh nghiệm khi khởi nghiệp là tin vào khả năng bán sản phẩm cho các đối tác của công ty cũ. Đây là điều mà theo anh Nguyễn Dương Huy Vũ, CEO Fibo cho rằng phải được nhìn nhận lại.
Về nguyên tắc, các đối tác trong quá trình làm việc thường tôn trọng tổ chức mà cá nhân đó đang tham gia. Tổ chức càng lớn, mức độ tin cậy, tôn trọng càng cao tuy nhiên anh Vũ cho rằng điều này được thể hiện giữa đối tác và tổ chức chứ không dành cho bất cứ cá nhân nào.
Chính vì thế khi cá nhân nào đó “ra riêng”, “giá trị” của họ sẽ ở mức rất thấp trong mắt đối tác. Dẫn đến việc lựa chọn mua sản phẩm của cá nhân đó chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị quyết định. Đơn giản vì còn nhiều giá trị đối tác cần mà khi ra riêng một cá nhân không thể có ngay được như tầm vóc công ty, uy tín, bảo hành, thương hiệu…
Cuối cùng là về việc gọi vốn, anh Nguyễn Duy Vĩ, người từng gõ cửa các nhà đầu tư cho ba dự án khởi nghiệp cho rằng việc kêu gọi hỗ trợ từ các quỹ không đơn giản. Lợi nhuận là điều các quỹ quan tâm nên họ luôn cần thời gian để xem xét liệu doanh nghiệp có thể phát triển và tự sống với sản phẩm đó hay không. Ngoài ra còn họ còn quan tâm tới nhiều khía cạnh như mô hình kinh doanh, nhân sự, định hướng…
Những bước cần chuẩn bị
Việc khởi nghiệp cần rất nhiều sự chuẩn bị, các nhân sự cao cấp cũng vậy. Và thất bại như bản án treo lơ lửng trên đầu các nhà Sáng lập. Nhưng càng thất bại nhiều, càng có nhiều kinh nghiệm và khả năng thành công cho những lần sau càng cao. Điều quan trọng là giảm thiểu khả năng thiệt hại để “đủ sức” đi cho các lần khởi nghiệp sau.
Theo anh Duy Vĩ , với ba lần thất bại, bài học rút ra với anh là để thành công, phải tạo được một tổ chức mà mỗi người là một thế mạnh. Đồng thời phải biết liên kết các thế mạnh đó để phục vụ cho mục tiêu chung.
Do đó, mô hình khởi nghiệp phù hợp nhất theo anh là các công sự phụ trách từng chuyên môn, tránh việc có nhiều cộng sự cùng làm chung một công việc. Về tài chính có thể không cần nhiều nhưng phải có nguồn tiền phù hợp để duy trì những thứ cần thiết cho việc phát triển sản phẩm. Giải pháp cho bài toán này theo Vĩ là chọn các dự án khởi nghiệp có kinh phí thấp nhưng thị trường lớn.
ns3
Đối với những trường hợp đã trót đầu tư vào nhiều dự án mà vẫn chưa có đầu ra, theo anh Vũ của Fibo cần phải rà soát lại hiệu quả cùa từng dự án và dừng ngay những dự án không hiệu quả. Theo đó, cần phải xem xét các dự án ở góc nhìn bán hàng, khả năng bán được hàng chứ không phải “cảm tính”. Thông qua các cuộc khảo sát nhỏ về độ lớn của thị trường từ khách hàng để từ đó sắp xếp lại các dự án, tạm ngưng các dự án có dòng tiền chậm và tập trung vào những sản phẩm có khả năng thành công cao nhất. Song song đó là tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu, đánh giá hiệu quả công việc và thay đổi nhân sự nếu cần thiết.
Do các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp ở thường có quy mô nhỏ nên hãy tìm kiếm những đối tác, các mối quan hệ cùng cấp độ để hỗ trợ nhau phát triển. Song song đó là duy trì mối quan hệ với công ty lớn và chỉ sử dụng các mối quan hệ này khi thật cần thiết. Anh Vũ cũng cho rằng các nhà khởi nghiệp, dù đã đi làm hay chưa nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực mà mình theo đuổi, bởi người thành công là người theo anh đã từng thất bại nhiều nhất.
Cuối cùng, nghe có vẻ lý thuyết một chút, là hãy giữ vững ý chí. Nguyễn Trần Thi, một trong những nhà Đồng sáng lập công ty GHN hiện là Giám đốc kinh doanh của công ty cho biết, từng tham gia chuyến đạp xe xuyên Việt với chưa tới 5 triệu đồng trong túi, anh đã gặp rất nhiều thử thách và đã muốn bỏ cuộc, chỉ có ý chí mới giúp anh hoàn thành lộ trình. Theo Thi, có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến sự thành công của một mô hình kinh doanh và ý chí là một trong các yếu tố đó.
Huy Vũ
http://www.twenty.vn/kham-pha/nhan-su-cao-cap-khoi-nghiep-cung-lam-gian-truan

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét: