Twenty.vn – Đa số các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đều là các nhóm rành về kỹ thuật thành lập nên, tuy nhiên bạn sẽ có nhiều lợi thế và tiến nhanh hơn rất nhiều nếu có một người rành về tài chính cùng tham gia ngay từ buổi sơ khai.
Dưới đây là bốn lý do giải thích về điều đó :
Khả năng quản lý tài chính chung
Những người có kiến thức tài chính thường có kỹ năng quản lý tài chính tương đối. Ví dụ người hiểu biết về vốn và dòng tiền ít nhiều có thể cho ý tưởng trong việc tìm kiếm nguồn vốn: nên kêu gọi đầu tư bên ngoài hay xin tiền ba mẹ chẳng hạn. Họ có thể giúp bạn tính toán xem có nên vay Ngân hàng hay không, với lãi suất nào là phù hợp.
Ngoài ra họ có thể đóng góp trong quá trình định giá sản phẩm để dự trù dòng doanh thu, khả năng trả nợ, thời gian hoàn vốn…
Thêm vào đó, có kiến thức kế toán cũng giúp việc quản lý thu chi và các hoạt động khác hiệu quả hơn. Thí dụ như thu chi nên có hóa đơn hay nên được ghi chép cẩn thận để tránh thất thoát hay làm sai lệch kết quả hoạt động.
Kiến thức về pháp luật kinh tế
Kiến thức pháp luật kinh tế cho phép tiếp cận một số vấn đề dễ dàng hơn so với những người không có hiểu biết đó.
Một là loại hình kinh tế, bạn muốn khởi nghiệp kinh doanh theo kiểu nào: hợp danh, trách nhiệm hữu hạn, cổ phần…; đăng ký như thế nào; cần các giấy phép gì; xin ở đâu? Điều này không phải xa lạ nhưng khi buộc phải chọn cái nào để phù hợp với mục đích thành lập công ty thì quả không dễ.
Hai là về thuế, kiến thức này rất hữu ích vì thuế là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ba là bạn sẽ có một ít hiểu biết về các thể loại vi phạm pháp luật kinh tế mà bạn nên tránh để không gặp rắc rối với các cơ quan chức năng trừ khi bạn muốn lách luật hay cố tình phạm pháp để làm giàu.
Khả năng quản lý rủi ro
Quản lý rủi ro thực chất là nhận biết những tổn thất không lường trước được và có sự đề phòng, đối phó tương đối khi nó xảy ra. Những người có kiến thức kinh tế tài chính có thể giúp chuẩn bị cho nhiều vấn đề mà nếu chưa từng nghe qua sẽ không thể hình dung hết.
Rủi ro thứ nhất liên quan đến pháp lý. Đây là những việc khá đơn giản nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như việc chuẩn bị các giấy tờ đăng ký kinh doanh, đăng ký bản quyền, xin các loại giấy phép, thực hiện báo cáo định kỳ … Việc này giúp giảm rắc rối không đáng có với các cơ quan thanh tra.
Đi cùng với vấn đề pháp lý là thuế. Bạn sẽ thấy là đăng ký, báo cáo và nộp thuế đúng hạn sẽ giảm nguy cơ mất tiền vì các khoản nộp phạt.
Bên cạnh đó còn có rủi ro mà chỉ có dân tài chính mới nghĩ tới là lãi suất và giá cả. Việc lãi suất (tiền gửi tiết kiệm, tiền vay) và giá cả biến động là hoàn toàn có khả năng xảy ra trong bất kỳ nền kinh tế, mô hình kinh doanh. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và lợi nhuận. Các doanh nghiệp nhỏ có ít biện pháp phòng ngừa hơn doanh nghiệp lớn. Nhưng một khi nhận biết được sẽ đóng góp vào việc ra quyết định và chiến lược hoạt động kinh doanh sao cho giảm thiểu rủi ro trong tương lai gần.
Biết cách kêu gọi nhà đầu tư
Người có kiến thức tài chính hiểu rằng lợi nhuận là quan trọng và đồng tiền có giá trị theo thời gian. Họ có thể cho ý kiến như một nhà đầu tư khi nhìn vào bộ tài liệu giới thiệu về thông tin công tin. Họ cũng là người có thể góp ý nên diễn đạt như thế nào và nhấn mạnh vào đâu để khả năng kêu gọi vốn khả thi hơn. Đơn giản, bạn sẽ không thể kêu gọi các quỹ đầu tư, một tay giỏi quản lý đồng tiền của thiên hạ, bỏ tiền vào dự án mà không biết nguồn thu, lợi nhuận đến từ đâu.
Khởi nghiệp trong ngành công nghệ không đơn thuần chỉ là làm sản phẩm rồi bán ra thị trường, nó còn là câu chuyện quản lý dòng tiền, cân đối thu chi…Bạn giỏi về công nghệ, kỹ thuật hãy làm sản phẩm ! Còn tài chính, hãy tìm người có kiến thức về nó vì không ai làm giỏi công việc của người khác được.
Hoàng Anh
http://www.twenty.vn/thu-vien/vi-sao-nen-du-nguoi-co-kien-thuc-tai-chinh-cung-khoi-nghiep
0 nhận xét: