Bài học từ Startup Chile: Giấu diếm ý tưởng – Hại nhiều hơn lợi

Twenty.vn - Người Sao Hỏa, biệt danh bạn bè dành cho anh Vũ Xuân Linh (hay còn gọi là Quốc Anh) khi anh là người rất mong muốn được lên Sao Hỏa sống và đã vào vòng hai của chương trình đưa 4 người Trái Đất sống định cư suốt đời trên Sao Hỏa – Mars One Program ( tạm dịch là Sao Hỏa Số 1) vào năm 2023.

Không chỉ được bạn bè biết đến với với việc tham gia startup “bất bình thường” đó, Vũ Xuân Linh còn được nhắc đến trong vai trò là thành viên của nhóm startup người Việt đầu tiên tham gia chương trình Startup Chile
Vu-Xuan-Linh
Đầu năm 2014, Twenty.vn đã có dịp trao đổi với anh Vũ Xuân Linh về chương trình Startup Chile và kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân anh.
Twenty.vn : Anh có thể chia sẻ một số thông tin về chương trình Startup Chile thưa anh?
Anh Vũ Xuân Linh : Startup Chile là một chương trình của chính phủ Chile được tổ chức từ 3 năm nay nhằm khuyến khích các startup từ khắp nơi trên thế giới biết đến Chile như là một trung tâm (hub) khởi nghiệp mới của thế giới, và đặc biệt là khu vựcNam Mỹ. Giống như Thượng Hải, Dubai, Singapore, Israel đều là những nơi chính quyền đặc biệt quan tâm tới vai trò của startup trong việc tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế, và niềm đam mê cho thế hệ trẻ. Startup Chile mang bạn bè thế giới đến với Chile đồng thời giúp giới startup ở đây tiếp cận được với được cộng đồng startup rộng lớn.
Với 3-4 đợt tuyển chọn hàng năm, mỗi đợt có 100 startup được lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi startup được hỗ trợ 40,000 đô la Mỹ không hoàn lại và không lấy cổ phần (equity-free). Không những thế, các bạn còn được hỗ trợ 6 tháng văn phòng làm việc ngay tại trung tâm thủ đô Santiago.
Quan trọng hơn cả là bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với bạn bè khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, với nhiều nền văn hóa, nhưng đều có một điểm chung giống bạn: đó là khát khao được thay đổi bản thân, thay đổi thế giới.
Vào thời điểm đó anh tham gia bằng sản phẩm gì ?
Anh tham gia vào đợt tuyển chọn thứ 5 của Startup Chile, và đội của anh có 3 người thì 2 đã chuyển sang Chile ở 6 từ tháng 10/2012 đến tháng 4/2013 theo chương trình này. Nhóm anh làm về thiết bị và trang trực tuyến cho giáo dục từ xa. Lúc đó, nhóm anh đã dùng khoản đầu tư của Startup Chile và một seed funding khác từ Mỹ với mục đích phát triển một thiết bị camera hỗ trợ ghi hình 360 độ, và tạo ra một trang web giúp giáo viên và học sinh có thể tương tác thời gian thực trên mạng, cũng như xem lại và chia sẻ các bài giảng tại bất kỳ thời điểm nào. Hiện tại nhóm vẫn tiếp tục với ý tưởng này và đang hoàn thiện phần mềm tại Việt Nam.
Từ Startup Chile, anh có cái nhìn như thế nào về các nhóm startup cùng tham gia chung ?
Anh đã được tiếp xúc với rất nhiều startup trên thế giới tham gia chương trình này, nhiều nhất trong số đó là từ Mỹ, châu Mỹ Latin, các nước Châu Âu. Việt Nam thực sự là mới có 4,5 bạn Việt kiều, chứ chưa có đội nào 100% đến từ Việt Nam. Qua trao đổi với nhiều nhóm anh thấy phần lớn trong số đó giao tiếp bằng tiếng Anh không cần xuất sắc, bù lại họ rất chịu khó đọc và tìm hiểu thông tin, các trang như Tech Crunch, kênh TV Bloomberg, và tham gia các trang startup funding của thế giới như Angel.co, F6S.com…
Về nắm bắt công nghệ, các nhóm đến từ Đông Âu rất xuất sắc với việc coding kỹ thuật cao, trong khi các nhóm Tây Âu lại mạnh về thiết kế. Công bằng mà nói Việt Nam cũng không thiếu các nhóm có trình độ tương tự song mình cảm thấy chúng ta nên tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè và cộng đồng thế giới để học hỏi đồng thời tận dụng khả năng gây quỹ dễ dàng từ quốc tế. Nhìn chung, anh thấy tiếc khi nhiều startup Việt Nam không tham gia những chương trình như thế này trong khi đây là một sân chơi chúng ta hoàn toàn có thể tham gia.
Mặt tích cực khi tham gia các chương trình như Startup Chile đối với các startup là gì thưa anh ?
Đầu tiên là về yếu tố mở rộng mối quan hệ, mở rộng tầm nhìn, phần lớn các startup ở Việt Nam có xuất thân từ kỹ thuật, nên các mối quan hệ với những nhà đầu tư, những người có khả năng tư vấn về sản phẩm, chiến lược tiếp thị hay mô hình kinh doanh thường rất hiếm. Các chương trình như Startup Chile đem lại cơ hội cho các nhà khởi nghiệp Việt Nam gặp gỡ những người như vậy, bạn sẽ được tiếp xúc với những người đỡ đầu (mentor), tham gia các buổi chia sẻ bài học lập nghiệp của những startup đã thành công, chứng kiến bạn bè quanh mình thành công trong việc bán được sản phẩm đầu tiên, hay nhận được đầu tư Series A, B, C. Kế đến là về kinh nghiệm bản thân, anh đã tích góp được rất nhiều từ Starup Chile từ việc lên kế hoạch vận hành một doanh nghiệp, tiếp thị, kinh doanh, thuyết trình với nhà đầu tư… Đây là các kỹ năng cần thiết vì các startup không chỉ đơn thuần là làm công nghệ hoặc bán sản phẩm mà còn là câu chuyện vận hành nuôi sống một doanh nghiệp.
Các startup Việt Nam có cần thay đổi về cách làm việc để thích nghi với các sân chơi như Startup Chile không ?
Theo quan điểm cá nhân, anh nghĩ là các startup Việt Nam nên cởi mở hơn trong chuyện chia sẻ các thông tin về ý tưởng về sản phẩm mà họ đang theo đuổi. Chúng ta thường có xu hướng không muốn tiết lộ nhiều về các ý tưởng (có thể) đem lại hàng triệu đô-la Mỹ với người ngoài. Đây là tâm lý chung không chỉ của các nhóm người Việt mà còn ở các nhóm đến từ các nơi trên thế giới.
Thực tế, chúng ta cần nhìn nhận rằng nhiều ý tưởng không phải lúc nào cũng mới hoặc duy nhất. Facebook của Mark Zuckerberg chẳng hạn, ý tưởng mạng xã hội của Mark đâu phải đầu tiên, anh ấy chỉ làm cho ý tưởng này phổ biến hơn mà thôi. Từ câu chuyện Facebook, dẫn đến một yếu tố thứ hai là từ ý tưởng đến hiện thực hóa là cả một vấn đề. Và cuối cùng, nếu chúng ta nghĩ ra ý tưởng đó thì chúng ta luôn biết được sự khác biệt trong cách hiện thực hóa chúng so với các sản phẩm khác nên đừng ngại chia sẻ.
Quan trọng hơn, việc chia sẻ ý tưởng giúp các startup đốt giai đoạn rất nhanh, vì nhiều khả năng các ý tưởng bạn đang đeo đuổi đã được một hoặc nhiều người xung quanh bạn đã từng thực hiện trước đó. Họ sẽ chỉ ra những lỗ hổng mà nhiều khi chúng ta chưa lường trước được. Điều khác biệt ở đây là cộng đồng chúng ta chia sẻ nên là những người khởi nghiệp, nhóm này không phải những người thường hay chê bai hoặc chỉ trích cái mới. Họ là những người thích cái mới, nên nếu cái gì chúng ta làm đã cũ hoặc đã thất bại, họ sẽ chỉ ra ngay để chúng ta cân nhắc.
Anh chưa thấy ai ăn cắp ý tưởng của startup bên cạnh khi tham gia Startup Chile. Tâm lý chung của anh và nhiều bạn là: nếu ý tưởng của anh có bị “ăn cắp” và những người “ăn cắp” đó nhanh chóng làm thành công hơn, thì anh nên mừng vì đỡ phải làm nó ngay từ giai đoạn sơ khởi, vì đơn giản là anh kém hơn họ trong ý tưởng này.  Anh nên bắt đầu với ý tưởng khác mà anh thực sự có thế mạnh cạnh tranh.
Đó là chưa kể việc giấu diếm ý tưởng thường đem lại nhiều thiệt hại, như câu chuyện của ông bạn đứng tuổi người nước ngoài của anh, ý tưởng của ông ta là tạo ra một trang web về ẩm thực và tìm kiếm công thức nấu ăn. Nói chuyện với ai, kể cả nhà đầu tư, ông ấy cũng không muốn chia sẻ nhiều về nó, vì sợ sẽ bị nhái ý tưởng. Kết quả, sau 5 năm và gần 1 triệu đô-la Mỹ tiền túi bỏ ra, sản phẩm của ông vẫn loay hoay tìm đầu ra và nhà cung cấp nguyên liệu. Và cũng chẳng cần phải được ông này chia sẻ, thị trường có tới chục trang web tương tự của những người không quen biết ông mọc lên và kiếm tiền ầm ầm. Ý tưởng lớn gặp nhau, tốc độ thực thi mới là quan trọng. Nếu cởi mở hơn, anh nghĩ sản phẩm của ông bạn anh sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc thay vì làm theo kiểu “dò đá qua sông” như vậy.
Xin cảm ơn anh
Công Sang
Start-up Chile là một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp bởi chính phủ Chile, một đất nước tươi đẹp và phát triển ở Nam Mỹ. Không giống như đa số các tổ chức khác lấy cổ phần khi đầu tư cho start-up, Start-up Chile cấp cho mỗi dự án khởi nghiệp 840 triệu đồng (40,000 đô la Mỹ) kèm theo không gian làm việc ngay tại trung tâm thủ đô Santiago, Chile trong vòng 6 tháng.
Ba tháng 1 lần, Start-up Chile sẽ chọn ra 100 dự án khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Hiện đợt dự tuyển thứ 10 đang diễn ra và sẽ kết thúc nộp hồ sơ vào 25/3/2014.

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét: