Phương pháp Quản trị theo thói quen lấy nguyên tắc làm trung tâm và lấy tính cách con người làm nền tảng để tạo ra sự thay đổi từ bên trong.
Hầu hết các phương pháp quản trị từ trước đến nay, như Quản trị theo mục tiêu (MBO), Quản trị theo quy trình (MBP) và Quản trị theo giá trị (MBV) đều mới chỉ giải quyết được một vế của yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đó là, khi chú trọng về hiệu quả thì chưa thỏa mãn tính nhân văn và ngược lại, khi chú trọng tính nhân văn thì lại ảnh hưởng lớn để hiệu quả kinh doanh.
Mới đây, tại hội thảo “Từ quản trị theo mục tiêu đến quản trị theo thói quen” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh do Trường doanh nhân PACE và Tổ chức Phát triển Lãnh đạo Toàn cầu FranklinCovey Worldwide tổ chức đã giới thiệu một xu hướng quản trị được cho là thỏa mãn cả tính nhân văn lẫn hiệu quả kinh doanh, đó là Quản trị theo thói quen (MBH).
Bản tính con người quyết định số phận. Mà bản tính lại được quyết định bởi nhận thức và thói quen. “Nhìn vào nhận thức và thói quen của một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp, chúng ta phần nào đoán được sự thành công hay thất bại của cá nhân hay tập thể đó”, bà Sue Dathe – Douglass, Phó chủ tịch FranklinCovey Worldwide chia sẻ.
Với phương pháp Quản trị theo thói quen, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã có được thành công. Theo phương pháp này, cả lãnh đạo và nhân viên đều nhận thức, thấm nhuần và thực hiện Bảy thói quen thành công, một chương trình được xây dựng bởi Stephen Covey (một trong 25 người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới).
Phương pháp Quản trị theo thói quen lấy nguyên tắc làm trung tâm và lấy tính cách con người làm nền tảng để tạo ra sự thay đổi từ bên trong.
Các phương pháp quản trị trước đây chỉ tạo ra được sự thay đổi bên ngoài, chỉ thay đổi về hành vi, chưa tạo thành thói quen nên không bền vững. Việc áp dụng thành công phương pháp Quản trị theo thói quen sẽ giúp thay đổi từ bên trong và tạo một thói quen tương hỗ giữa cấp trên và nhân viên.
Câu chuyện về sự trở lại của nhà máy ổ cứng Western Digital (WD) tại Thái Lan sau trận lũ lớn tháng 10/2011 là một dẫn chứng.
Thảm họa này đã khiến 14.000 nhà máy tại Thái Lan phải đóng cửa, nhấn chìm hàng trăm hàng ngàn ngôi nhà và khiến 660.000 người mất việc.Nhà máy của WD gần như bị nhấn chìm hoàn toàn trong lũ, máy móc hư hại nặng nề, khó lòng cứu vãn.
Trong khi hầu hết các nhà máy khác, trong đó có Honda, phải mất trên dưới nửa năm mới có thể hồi phục thì WD đã đi vào hoạt động trở lại chỉ trong 46 ngày. Kỳ tích này có được là do hầu hết nhân viên của họ đều tập trung cứu nhà máy cả ngày lẫn đêm. Thậm chí nhiều nhân viên còn huy động cả các thành viên trong gia đình cùng cứu nhà máy.
Làm thế nào để lãnh đạo WD kêu gọi sự hợp lực của gia đình nhân viên trong khi ngôi nhà của họ cũng đang sụp nát trong lũ? “Đó chính là nhờ lãnh đạo WD đã thành công trong phương pháp quản trị theo bảy thói quen nói trên, tác động mạnh vào tư duy cùng thắng và hợp tác cộng sinh”, bà Sue Dathe – Douglass cho biết.
Bảy thói quen thành công cơ bản được ví như là “hệ điều hành” chuẩn mực cho mọi doanh nghiệp bao gồm:
(1) Làm chủ bản thân: Tôi được tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm cuối cùng về hạnh phúc của mình, khác với suy nghĩ thông thường cho rằng mọi thứ diễn ra theo cách của nó, tôi không thể làm gì để thay đổi điều đó.
(2) Bắt đầu từ mục tiêu: Xác định rõ tương lai và mục đích trong cuộc sống để tạo nên sự khác biệt, không để cuộc sống của mình trôi theo dòng đời.
(3) Ưu tiên cho các việc quan trọng: Tôi sử dụng thời gian cho những việc quan trọng hơn là những việc cấp bách.
(4) Tư duy cùng thắng: Có đủ cơ hội thắng lợi cho tất cả mọi người, thành công của người này không đánh đổi bằng thất bại của người khác
(5) Giao tiếp thấu cảm: Sự lắng nghe, thấu cảm của tôi sẽ ảnh hưởng lớn đến người khác và cả kết quả công việc chung.
(6) Hợp tác cộng sinh: Cùng hợp tác để tìm ra một giải pháp tốt hơn, không dễ dàng thỏa hiệp với cái mà hai chúng ta đang có trong đầu.
(7) Làm mới bản thân: Dù là nhà quản trị hay nhân viên, chúng ta hãy luôn dành thời gian để làm mới mình mỗi ngày trên cả bốn phương diện: thể chất, tình cảm, tinh thần và trí tuệ.
Bảy thói quen không phải là một tập hợp các công thức tâm lý rời rạc mà đó là phương pháp tiếp cận tịnh tiến, liên tục và kết hợp nhiều mặt trong việc nâng cao tính hiệu quả của từng cá nhân và các mối quan hệ xung quanh.
Kết hợp hài hòa các quy luật trên giúp nhân viên từng bước trưởng thành trong nhận thức và hành vi, từ phụ thuộc sang độc lập và cuối cùng là đến thói quen tương hỗ trong công việc. Giữa sếp và nhân viên phải cùng lắng nghe để hiểu đúng thông điệp của nhau, từ đó mới hợp tác với nhau, kết hợp tài năng và năng lực để cùng có kết quả lớn hơn.
Bảy thói quen nói trên thường được thể hiện một cách có hệ thống, quy tắc, có giá trị truyền bá qua văn hóa doanh nghiệp.
Theo Thành Nhã
Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
0 nhận xét: