Luyện kỹ năng sống hàng ngày cho trẻ


(Webtretho) Làm thế nào để dạy con bạn biết những kỹ năng sống thường ngày như tự thắt dây giày cho mình, đọc sách, bơi lội hay chơi bóng đá? Sau đây là 9 mẹo nhỏ mà bác sĩ Melinda Eng chia sẻ cùng các bậc cha mẹ.

 “Con có thể tự làm lấy được mà!” là câu nói chúng ta thường bắt gặp ở trẻ em ở độ tuổi từ 1 – 8 tuổi. Nghiên cứu về lứa tuổi tiền tiểu học này, tôi nhận thấy rằng chúng có xu hướng muốn tự mình hoàn tất mọi việc. Chúng thích quan sát người khác làm việc rồi cố gắng bắt chước theo y như vậy. Nhưng các bậc cha mẹ lại thường phản ứng theo cách “Để ba/mẹ làm giúp con”, “Đừng đụng vào, để ba/mẹ lấy cho!”, hay “Nắm chặt lấy tay mẹ nào!"…


Thật ra, trẻ cần tập sống độc lập dần cho đến lúc bước vào tuổi thiếu niên. Sự hào hứng tự nhiên này của bé cần được khuyến khích một cách tích cực đế chúng học được những kỹ năng sống tự lập như tự đi vệ sinh, tự ăn hay tự mặc quần áo. Từ đó, bé có ý thức trách nhiệm với việc vệ sinh cá nhân của mình hơn. Nếu cha mẹ chịu khó chỉ dạy một cách tích cực ngay từ những Năm đầu đời thì tính tự lập sẽ dần được hình thành trong suy nghĩ của trẻ.
1. Hãy tạo nhiều cơ hội để bé tự làm việc của mình
Ví như để bé tự mang giày, tự dùng muỗng nĩa để ăn, tự tô tranh vẽ, tự sắp xếp sách vở, đồ chơi của mình vào kệ…Có thể lúc đầu bé sẽ làm lộn xộn hết cả lên, cho nên cha mẹ cần dự đoán trước. Hãy chuẩn bị cho điều này, như việc trải thêm một tấm nilon trên bàn ăn để tránh những vết bẩn từ thức ăn vương vãi; hoặc tự thiết kế một góc riêng cho trẻ trong phòng ăn.

Một cái yếm đeo cho trẻ sẽ giúp cho bạn đỡ phải lau dọn nhiều sau mỗi bữa ăn. Nên sử dụng ống hút hay một chiếc cốc hai quai để dạy trẻ cách cầm ly và tự uống nước.


2. Những kỹ năng sau sẽ giúp con bạn ghi nhớ sâu hơn việc sống tự lập
Vài gợi ý nhỏ như: Tự đánh răng, tự đọc sách,  xếp áo quần, đặt đồ dùng lại đúng chỗ sau khi sử dụng, lau dọn bàn sau bữa ăn…
                                                        Để bé tự xếp quần áo của mình
3. Hãy hưởng ứng lại việc bé làm cách thích đáng
Sau mỗi lần bé tự hoàn thành công việc của mình, hãy khen ngợi và bảo trẻ rằng chúng đã làm một việc rất tốt (mặc dù chúng có thể không đáp ứng đúng như yêu cầu của bạn). Nếu bé muốn giúp bạn dọn rác, hãy vui vẻ chấp nhận dù sau đó có thể bạn sẽ phải quét lại những mẩu rác vương vãi khắp nơi. Luôn cố gắng động viên và khích lệ con bằng những câu nói như: “Tốt lắm con!”, hay “Con thử lại lần nữa xem nào!”.
4. Đừng hối thúc con!
Cho trẻ thời gian đủ để chúng tự hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khi chuẩn bị ra ngoài, hãy báo trước cho bé để chúng có thời gian sửa soạn, "chải chuốt" một chút, tự chọn quần áo, mang giày hay chuẩn bị sẵn sàng túi dã ngoại, túi ăn trưa cho mình. Cho trẻ nhiều cơ hội để thực hành thành thạo hơn việc tập bơi, bắt bóng hay lái xe đạp…

5. Hiểu rõ khả năng và bảo đảm an toàn cho bé
Để tránh mắc nghẹn khi ăn, hãy cắt thức ăn ra thành những miếng nhỏ và hướng dẫn bé nhai kỹ trước khi nuốt vào. Gọt vỏ và lấy hạt nếu đó là các loại trái cây, gỡ xương ra khỏi cá hoặc thịt trước khi cho bé ăn, đừng cho trẻ cả một quả trứng cá nguyên vẹn. Đối với những bé nhỏ tuổi hơn, hãy băm nhuyễn thịt với rau ra, tránh cho trẻ dùng nhiều những thức ăn quá dẻo, có độ nhầy như bơ lạc.

6. Chấp nhận sự tiến bộ từ từ
Học cách tự chăm sóc mình cũng phải đi theo từng bước một. Nhắc nhở bé nhiều lần trong giờ chơi  hoặc trước khi vào bữa ăn. Dạy bé cởi quần áo ra như thế nào trước khi đòi hỏi bé tự mặc quần áo tươm tất cho chính mình.

7. Cố gắng tránh việc “sửa sai”
Đối với trẻ, việc bạn sửa sai việc chúng đã làm là đồng nghĩa với việc bạn không đánh giá cao hoặc không thừa nhận nỗ lực của chúng. Việc này dễ làm chúng nản chí ở những lần sau. Hãy thoải mái và dễ dàng hơn trong việc này. Ví như khi bé tự mang vớ cho mình, đừng cố tìm lỗi để sửa lại cho ngay ngắn vì nó không được vừa vặn. Thay vào đó, hãy hỏi con bạn có cảm thấy thoải mái không khi đã mang giày vào rồi, để bé có thể tự khám phá ra sai sót của mình.
Hãy chấp nhận bức tranh vẽ hay một "tác phẩm" nghệ thuật bé vừa hoàn thành, đừng cố hoàn thiện chúng vì trong mắt bạn như thế là chưa đẹp! Thay vào đó, hãy hỏi những câu hỏi để trẻ tự nhận ra rằng tại sao chúng không tô thêm màu vào những khoảng trống?!

8. Định hình những thói quen tốt

Việc tập tự đánh răng có thể bắt đầu ngay từ lúc trẻ có thể tự cầm bàn chải. Giúp đỡ và kiểm soát mọi việc để bé luôn trong trạng thái an toàn. Dùng bàn chải và kem đánh răng thích hợp, dành riêng cho trẻ em. Bé còn có thể tự học lau khô tay và chùi mũi từ khi còn nhỏ. Tự tắm cũng là một việc yêu thích đối với trẻ con, hãy để chúng thưởng thức việc đó dưới sự kiểm soát của bạn.


9. Hãy giữ giờ học thật vui vẻ, hào hứng
Cố gắng sử dụng bài hát, hoặc những câu vần điệu để giúp trẻ thấy thú vị hơn khi thực hiện những công việc đó. Ví dụ như việc đánh răng sẽ vui hơn nhiều nếu mẹ đứng bên và cổ vũ bé bằng hát bài “Thật đáng yêu”: “Mẹ mua cho em bàn chải xinh, như các anh em đánh răng một mình. Mẹ khen em bé mà vệ sinh, thật đáng yêu răng ai trắng tinh”.
Chơi một vài trò đơn giản để tạo hứng khởi cho bé lúc làm việc nhà: “chổi to bà quét sân kho, ấy còn chổi nhỏ, bà để dành bé chăm lo quét nhà”. Bài hát còn có thể áp dụng khi bạn dạy bé lái xe đạp và tuân thủ luật giao thông như: “Đường bên trái là đi chiều ngược lại, em nhớ rồi đường bên phải em đi”…

Nguồn: Webtretho/ Tạp chí Motherhood


SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét: