Sài Gòn đã có nắng, không còn âm u như những ngày trở gió lạnh.
Phải chăng, đông đi rồi? Phải chăng, xuân đã đến? Người người đổ xuống lòng đường mỗi tối để tìm một chút gì đó gọi là “không khí ngày xuân, không khí Tết” đang từng bước chạm ngõ. Chọn một góc riêng trên căn phòng nhỏ, tôi thả mình vào những bản nhạc xuân và nhấc máy gọi điện về nhà. Vẫn là giọng nói ấm ấm quen thuộc của má, cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng lại đầy ắp những yêu thương. Má bảo năm nay hết lụt lội lại lạnh thế này, không trồng được hoa Tết, không trồng được nhiều rau quả, không nuôi được nhiều gà cho mấy đứa tha hồ ăn như mọi năm. Có gì đó làm cay trong khóe mắt, là tại gió hay bụi khói quê nhà? Cái Tết, với những đứa xa quê như tôi chỉ cần những phút giây giản dị bên gia đình cũng đủ lắm rồi!
Thoảng trong tiếng nhạc, đâu đó là khói bếp nấu bánh tét, luộc gà. Là tiếng cười nói rộn ràng của má, của mấy cô vừa đi chợ về. Là mùi sơn mới, mùi dầu của anh em tôi khi quét dọn lại nhà. Là dáng ba ngồi tỉ mỉ chà lại bộ ly hương bằng đồng... Là một nét rất đỗi của “cái Tết” ở quê...
Và trong khoảnh khắc ấy, tôi ngửi thấy mùi thơm của nếp, của gừng, của đỗ đen trong món cốm đỗ đen thường có ngày Tết ở quê tôi mà năm nào má cũng làm như một thói quen. Chỉ là một món ăn dân dã đến mức quá bình thường nhưng lại khiến nhiều người mê mẩn - như tôi, có lẽ vì chính hương vị mộc mạc đậm chất quê ấy.
Nghe cái tên thôi cũng biết được nguyên liệu của món này, rất đơn giản: gạo nếp, đỗ đen, đường và một ít gừng. Nếp được nấu chín lên thành xôi, đỗ đen được nấu nhừ rồi cùng trộn nhuyễn với đường. Đường tan ra thấm vào xôi, vào đỗ rồi cứ thế bắc lên bếp than đảo đều cho đến lúc thành cốm. Để có hương vị thơm thì cho thêm một ít gừng được giã nhỏ là xong. Đến khi cốm tới thì cho ra mâm lăn thành từng khối lớn cỡ bàn tay được phủ lên ít bột nếp xung quanh cho đỡ dính. Đến khi nào ăn thì lấy dao cắt khúc xếp ra đĩa. Công đoạn khó nhất có lẽ là ngồi bên bếp than đảo hỗn hợp xôi đỗ đó, phải đảo đều tay thì cốm mới nóng đều, mới ngon và không bị cháy.
Món làm đơn giản nhưng lại tốn công nên chỉ ngày Tết mới hay làm. Và hình ảnh chiều ba mươi Tết ngồi đảo chảo cốm đỗ đen của má in sâu vào tiềm thức tôi từ thưở nhỏ. Tôi thường ngồi cạnh má, lâu lâu lại lấy đũa quệt một cục to đưa lên mồm chén ngon lành, một năm mới được ăn một lần nên với tôi, những lúc ăn vụng, ăn trước này mới thật là ngon, nhất là khi mùi cốm đỗ bên bếp cứ xộc thẳng vào mũi không cưỡng lại được.
Tôi cũng được má giao cho nhiệm vụ ngồi đảo giúp má chảo cốm khi má đi lấy thứ này thứ nọ, mới đầu tưởng chừng như nhẹ nhàng, nhưng khi chính tay cầm chiếc đũa cả đảo thì mới biết, khó vô cùng, phải dùng lực mạnh thật là mạnh mới đảo được hỗn hợp đang đặc quánh đó một cách đều tay. Chỉ làm được vài phút, tôi đã phải gọi má í ới, những lúc thế này, mới biết má vất vả đến nhường nào. Chỉ có một món mà tốn nhiều công thế này, huống hồ ngày Tết má phải chuẩn bị bao nhiêu là thứ. Má làm cốm đỗ đen từ giữa chiều (nhưng nếp với đỗ phải nấu sẵn từ trưa) đến chập tối thì xong, má hay đem để ngoài trời cho đến lúc gần giao thừa thì mang vô, má bảo bánh phải ngấm sương thì ăn mới ngon, tôi không biết điều má nói như thế là vì sao? Tôi chỉ biết, cốm đỗ đen lúc nào cũng ngon sẵn rồi. Chẳng thế mà anh em tôi cứ xem cốm đỗ đen là cơm ngày Têt, hễ thấy đói là lấy tay bẻ một cục to rồi vừa xem tivi vừa ăn chứ chẳng cần lấy dao, bày đĩa gì cho lịch sự mĩ miều. Với tôi, món ăn quê, phải ăn một cách riêng rất quê như vậy mới đúng, mới đậm đà hương vị.
Những ngày Tết không còn xa, có lẽ ở nhà, má cũng đang tất bật chuẩn bị mua sắm dần cho ngày Tết. Con đường về mảnh đất miền Trung của tôi cũng đang đến thật gần. Và những hương vị của ngày Tết quê hương tôi cũng sắp hưởng một cách trọn vẹn... Nhớ lắm... Mùi cốm đỗ đen thơm lừng... Nhớ lắm... Vị ấm của Tết quê bên gia đình...
LaNa (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM)
0 nhận xét: