Trước khi bạn “khăn gói”
lên đường cho một chuyến du lịch mà những bức ảnh đẹp là một phần không
thể thiếu của chuyến đi ấy, thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của
anh chàng blogger du lịch Philipp, nơi bạn sẽ nhận được những lời
khuyên thú vị “không đụng hàng”.
Thức dậy thật sớm
Trong nhiếp ảnh, ánh sáng là điều kiện
rất quan trọng để có được những bức ảnh đẹp. Thời gian thường được xem
là “giờ vàng” để chụp ảnh là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, tuy nhiên
lúc bình minh là khoảnh khắc tạo ra cơ hội chụp ảnh tuyệt vời nhất. Vào
lúc này, ánh sáng trở nên mềm mại hơn bao giờ hết, bầu trời dần dần
chuyển từ màu xanh thành màu tím và ấm dần lên với màu vàng, và đây cũng
là lúc người dân địa phương chỉ mới bắt đầu một ngày mới của họ.
Đặc biệt hơn là khi bạn đi du lịch cùng
với nhóm bạn, trong lúc mọi người còn đang say sưa ngủ, thì bạn có thể
tự do chụp hình tùy theo sở thích của mình. Và như lời của nhiếp ảnh gia
nổi tiếng Timothy Allen đã từng nói: “Một bức hình được chụp trong ánh
sáng tuyệt vời còn có giá trị hơn một trăm tấm hình được chụp trong ánh
sáng chói chang”.
Lựa chọn những góc chụp khác nhau
Nếu chúng ta nghĩ về những địa điểm du
lịch mang tính biểu tượng nổi tiếng trên thế giới như: Tháp Eiffel, Taj
Mahal hay tòa tháp đôi Petronas thì hầu như tất cả chúng ta đều có ngay
một hình ảnh trong tâm trí, ngay cả khi bạn chưa từng đặt chân đến đó.
Đó là bởi vì bạn đã nhìn thấy hình ảnh này vô số lần rồi, nói như vậy
không có nghĩa là khuyên bạn không nên ghé thăm hay chụp lại những hình
ảnh mang tính biểu tượng như vậy, mà là vẫn tại nơi đó bạn có thể chụp
từ dưới những góc ảnh khác. Bạn có thể sáng tạo ra những góc chụp mới,
và thử nghiệm nó bằng nhiều cách khác nhau, tuy có thể mất nhiều thời
gian và công sức, nhưng khi về nhà bạn sẽ có những bức ảnh thực sự giá
trị và khiến bạn thích thú.
Tìm hiểu kỹ về những nơi bạn muốn chụp hình trước chuyến đi
Tìm hiểu kỹ về những nơi bạn muốn chụp
hình ví dụ như về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của nơi đó trước
chuyến đi, sẽ giúp bạn có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và chụp
được những bức hình đáng giá. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem
có bất kỳ lễ hội hay hoạt động thú vị nào tại địa phương trong thời gian
bạn ghé thăm, sau đó học hỏi kinh nghiệm từ những nhiếp ảnh gia khác.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ sao chép lại những hình ảnh của họ, mà
sử dụng chúng như là nguồn cảm hứng để tìm ra những ý tưởng mới cho
những hình ảnh của riêng bạn.
Cảm nhận vẻ đẹp bằng đôi mắt của chính mình
Sau khi đã tìm hiểu kỹ và bạn cũng đã có
mặt tại nơi bạn muốn đến, dường như lúc này bạn chỉ muốn ngay lập tức
cầm máy hình thoát ra khỏi phòng khách sạn và thỏa thích chụp hình theo
sở thích. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn lúc này là nên để máy chụp
hình lại trong phòng và bước ra ngoài làm quen với môi trường xung
quanh. Bạn có thể đi lang thang và cảm nhận vẻ đẹp của nơi bạn đến bằng
ánh mắt của mình, bởi khung cảnh mà bạn đang cảm nhận bằng mắt sẽ truyền
cảm hứng cho bạn. Bạn cũng nên nhớ rằng, những bức hình bạn chụp sẽ
phản ánh những kinh nghiệm của riêng bạn, và bạn cần thời gian để nhìn
và cảm nhận về nơi ấy.
Thoát ra khỏi những con đường quen thuộc
Các địa điểm du lịch tốt và đem lại cho
bạn nhiều trải nghiệm nhất thường lại nằm ở những khu vực hẻo lánh, và
có ít người lui tới. Và việc thoát ra khỏi những nơi có đám đông khách
du lịch không phải là việc quá khó khăn. Đôi khi bạn chỉ mất khoảng một
thời gian ngắn di chuyển để có thể tìm thấy chính mình tại một ngôi làng
nhỏ ở địa phương, nơi bạn là người nước ngoài duy nhất ở xung quanh.
Đây là những nơi không chỉ mang đến cho bạn nhiều cơ hội thực hành các
kỹ năng chụp, mà còn giúp bạn có những bức hình giản dị chân thực nhất.
Đồng thời, nó cũng giúp bạn có những trải nghiệm du lịch tốt hơn nhiều
so với những điểm đến lúc nào cũng đông đúc khách du lịch.
Luôn suy nghĩ trước khi chụp
Có một thực tế là sự phát triển của dòng
máy chụp hình kỹ thuật số đã khiến nhiều người có thói quen chụp hình
quá nhiều. Việc chụp quá nhiều bức hình không chỉ tạo cho bạn một thói
quen xấu, mà còn làm bạn bỏ lỡ việc thưởng thức phong cảnh khi đi du
lịch.
Bạn hãy tưởng tượng lại khoảng thời gian
khi mà những nhiếp ảnh gia chỉ có trong tay một cuộn phim chỉ với 24
hoặc 36 hình ảnh, do vậy mỗi bức hình đều được họ suy nghĩ cẩn thận
trước khi chụp. Bạn có thể thử áp dụng tư duy này, và dành một chút thời
gian để suy nghĩ trước khi chụp những bức ảnh của mình. Bạn hãy giữ
bình tĩnh, suy nghĩ về ánh sáng và những gì bạn muốn nhấn mạnh trong bức
hình, bạn cũng có thể chuyển đổi góc chụp và thử những điều khác nhau.
Bạn cũng không cần phải vội vàng, bởi những bức ảnh chụp vội không bao
giờ là những bức ảnh tuyệt nhất. Câu nói “chất lượng hơn số lượng” luôn
luôn đúng trong trường hợp này.
Nói không với đèn flash
Henri Cartier Bresson – cha đẻ của nhiếp
ảnh báo chí và là một trong những nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng nhất mọi
thời đại, không bao giờ sử dụng đèn flash trong nhiếp ảnh của mình. Ông
coi việc sử dụng đèn flash là “bất lịch sự” và nó giống như là “bạn đi
đến buổi hòa nhạc với một khẩu sung lục trong tay”.
Bạn không cần sử dụng đèn flash khi
chụp, bởi việc sử dụng hầu như không bao giờ cho bạn một kết quả hài
lòng. Bạn hãy tận dụng luồng ánh sáng tự nhiên khi chụp hình, tìm hiểu
thêm về cách tận dụng các nguồn sáng và biết cách làm chủ chiếc máy ảnh
của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thêm về độ nhạy của ISO, độ mở
ống kính và tốc độ màn trập. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện rất nhiều
về kỹ năng chụp ảnh của mình.
Suy nghĩ sau cùng…
Đây là một vài lời khuyên mà tôi hy vọng
sẽ giúp bạn có thể trở thành một nhiếp ảnh gia tốt hơn. Sự thật là
không có một con đường tắt nào có thể dẫn bạn nhanh chóng trở thành một
nhiếp ảnh gia giỏi, điều kiện cần là bạn phải ra ngoài và thực hành nó
hằng ngày. Nhiếp ảnh cũng giống như là cuộc sống riêng của mỗi người
vậy, đó là cả một hành trình dài, trong hành trình ấy bạn cũng sẽ bắt
gặp cảm giác của sự thất vọng hay khoảnh khắc hạnh phúc. Tuy nhiên, hãy
chụp ảnh bằng niềm đam mê của bạn và cũng đừng quên thưởng thức những
điều thú vị mà chuyến hành trình mang lại cho bạn.
Theo San San/Traveltimes.vn
0 nhận xét: